SCG KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN THÍ ĐIỂM ĐẦU TIÊN VỀ PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC LONG SƠN 2, TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Vừa qua, Tập đoàn SCG đã khởi động dự án thí điểm đầu tiên về phân loại rác tại nguồn tại trường tiểu học Long Sơn 2, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là nỗ lực hiện thực hóa cam kết của tập đoàn trong Hợp tác công tư được ký kết bởi SCG, Unilever Việt Nam, Dow Chemicals và Bộ Tài Nguyên và Môi trường vào đầu tháng 2 năm nay về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Dự án lần này cũng song hành với chính sách của địa phương trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn như một giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Ông Soros Khlongchoengsan – Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn – công ty thành viên của tập đoàn SCG cho biết: “Là một trong những hoạt động đầu tiên của SCG tại Việt Nam nhằm xúc tiến mô hình kinh tế tuần hoàn, dự án thí điểm này hướng đến giáo dục trẻ nhỏ về các vấn đề môi trường và thói quen phân loại rác thải, đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng từ phía gia đình và nhà trường để có thể nhân rộng mô hình trong cộng đồng ở những giai đoạn sau của dự án. Mục tiêu sau cùng của các hoạt động này là tăng tỷ lệ tái chế rác thông qua phân loại rác tại nguồn, từ đó hướng đến mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong tương lai.’
Phối hợp với mGreen – ứng dụng đô thị thông minh Smartcity phân loại rác tại nguồn được tích điểm đổi quà và Gia Linh – công ty thu gom và vận chuyển rác tại địa phương, SCG sẽ tạo điều kiện bước đầu để giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng tham gia phân loại rác thải tại nguồn.
Bên cạnh các buổi chia sẻ kiến thức về phân loại rác và kinh tế tuần hoàn, SCG cũng trang bị hai thùng phân loại rác cho mỗi lớp và sáu thùng phân loại rác lớn cho mỗi trường để học sinh thực tập thói quen phân loại giữa các vật dụng tái chế và không tái chế. Giáo viên là người chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện của học sinh và nhập số lượng rác gom được thông qua sổ nhật ký phân loại rác vào ứng dụng Smartcity mGreen; hoặc các phụ huynh cũng có thể phân loại rác tại nhà thông qua ứng dụng này. Ngoài ra, để giám sát và lan toả việc phân loại rác tại trường, mỗi trường sẽ thành lập các đội “Đại sứ Môi trường” từ những học sinh xuất sắc, chịu trách nhiệm giám sát và quản lý các thùng rác phân loại lớn tại trường.
“Nhằm khuyến khích học sinh và phụ huynh phân loại rác tại nguồn, chúng tôi có những phần quà dựa trên điểm tích lũy cá nhân trên ứng dụng mGreen – Ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế được tích điểm đổi quà. Ngoài ra, với các lớp thực hành tốt việc phân loại rác hoặc lượng rác thu gom lớn với số điểm mGreen tích luỹ cao nhất, SCG cũng trao tặng các phần quà là Nhà giấy Doozypack Paper Playhouse. Chúng tôi cũng sẽ mời các bạn Đại sứ Môi trường của trường tới trải nghiệm mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua những chuyến đi ngoại khoá. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều hoạt động tìm hiểu về rác thải và môi trường được tổ chức để tiếp tục thu hút sự tham gia của các em.” ông Soros cho biết thêm.
Rác thải sau khi phân loại sẽ được Công ty Gia Linh thu gom; lưu chứa riêng và sẵn sàng để tái chế. Lượng rác thải hữu cơ sẽ được xử lý thành phân bón sinh học dùng cho mục đích nông nghiệp của người dân địa phương.
Đại diện UBND Thành phố Vũng Tàu, ông Phạm Quốc Huy – Phó Trưởng Phòng Tài Nguyên Và Môi trường thành phố Vũng Tàu đánh giá cao về dự án: “Chúng ta biết rằng Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Vì vậy, TP Vũng Tàu đã lựa chọn Trường tiểu học Long Sơn là đơn vị triển khai thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn – là cái nôi lan toả hành động văn minh tới gia đình và cộng đồng xã hội. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng sự đóng góp, đồng hành của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, thuộc Tập đoàn SCG và Doanh nghiệp xã hội mGreen vào sự phát triển bền vững, an sinh xã hội tại Thành phố Vũng Tàu.”.
Theo đuổi định hướng phát triển bền vững của tập đoàn, SCG luôn nỗ lực đóng góp cho cộng đồng địa phương nơi tập đoàn hoạt động. Tại xã Long Sơn, địa bàn trọng điểm của dự án của Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam, SCG đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Điển hình trong số đó là Dự án Sân chơi “SCG Chung một ước mơ” tại Trường Tiểu học Long Sơn 1 & Long Sơn 2, chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho người dân địa phương và học bổng cho thanh thiếu niên trong cộng đồng. Dự án thí điểm phân loại rác sẽ được SCG thực hiện tại Trường Tiểu học Long Sơn 1 và Long Sơn 2 vào năm 2020, sau đó mô hình dự kiến sẽ được nhân rộng tại xã Long Sơn và trên toàn thành phố Vũng Tàu.
Thông tin về tập đoàn SCG
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: Xi măng – Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging). SCG hiện có hơn 200 công ty thành viên và khoảng 57.000 nhân viên. SCG sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người tiêu dùng. SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 và đang từng bước mở rộng đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành xi măng – vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Hiện nay, tại Việt Nam, SCG có 21 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh với hơn 9.600 nhân viên, mang đến nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp cho thị trường. Các sản phẩm thuộc ngành Xi măng – Vật liệu xây dựng của SCG bao gồm: ngói bê tông; tấm sợi xi măng; sản phẩm sợi xi măng thay thế gỗ dành cho sàn và trần nhà; xi măng trắng; bê tông tươi thương hiệu SCG; gạch men ốp tường và lót sàn thương hiệu Prime; sứ vệ sinh và phụ kiện nhà tắm COTTO. Mới đây nhất, tập đoàn đã ra mắt các sản phẩm xi măng thương hiệu SCG Super Xi Măng, Sông Gianh, và StarCemt. Trong ngành Bao bì, tập đoàn hiện sở hữu các sản phẩm giấy văn phòng nhãn hiệu IDEA, thùng các tông, giấy kraft và bao bì nhựa. Ngành Hóa dầu bao gồm các sản phẩm hạ nguồn như hạt nhựa PE & PP, XLPE, nhựa PVC và hợp chất,…
Thông tin về mGreen:
MGREEN là doanh nghiệp xã hội hoạt động với mục tiêu cung cấp giải pháp công nghệ số trong hoạt động phân loại rác tại nguồn và quản lý hoạt động thu gom, thu mua phế liệu, xử lý rác tái chế cho doanh nghiệp và chính quyền; các khu dân cư, chung cư, tổ chức… góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp ứng dụng quản lý bằng thẻ tích điểm phân loại rác mGreen qua nền tảng Loyalty Coalition Mobile Platform trên điện thoại di động (Phần mềm mGreen) đã được đưa ra và ứng dụng tại nhiều địa điểm nơi dự án triển khai.
Trước hoạt động được triển khai phối hợp với UBND Thành phố Vũng Tàu, Công ty TNHH Lọc Dầu Long Sơn thuộc tập đoàn SCG, Trường Tiểu học Long Sơn, Doanh nghiệp xã hội mGreen đã kết hợp với Nestlé, Vinschool, UNDP, World Bank, Bộ Khoa học Công nghệ, Trung Ương Đoàn, Urenco, Citenco, UBND quận Hoàn Kiếm, Unilever, Hội đồng doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam ( VBCSD) triển khai các dự án : Phân loại rác tại nguồn, Thu gom chất thải tái chế, Không xả thải ra thiên nhiên, Quản lý rác thải nhựa tại Quảng Ninh, Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại 6 tỉnh thành phố và 30 khu vực dân cư trường học trên cả nước với sự tham gia của 10.000 cư dân, học sinh. Dự án đã góp phần thu gom và tái chế 30 tấn rác tái chế góp phần vào sự thành công của chương trình “Vì một Việt Nam xanh”.
Một số hình ảnh tại sự kiện: